Trong đó, nhóm năng lượng đóng góp quan trọng vào đà phục hồi của thị trường với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng mạnh. Khí tự nhiên tăng vọt 6,55% lên 2,96 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, đánh dấu chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp và chạm mốc cao nhất trong 5 tháng qua do tình hình thời tiết nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas đã đẩy tiêu thụ điện lên mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, đình công tại Australia làm dấy lên lo ngại gián đoạn dòng chảy năng lượng từ Mỹ đến châu Âu. Australia là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới sau Qatar, do đó bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Dầu thô đạt đỉnh 9 tháng
Đáng chú ý, 2 mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất là dầu WTI và dầu Brent cũng đã thiết lập đỉnh mới, đóng cửa ở mức cao nhất từ tháng 11/2022 trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên sâu sắc. Dầu WTI chốt ngày với mức tăng 1,78% lên 84,40 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 87,55 USD/thùng sau khi tăng 1,60%.
Theo một cuộc khảo sát của S&P Global Commodity Insights, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 7 xuống mức thấp nhất gần 2 năm, do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia có hiệu lực. Điều này góp phần làm sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 6.
Báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành tối qua cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/8. Con số này không nhiều so mức giảm kỷ lục trong lịch sử 17 triệu thùng vào tuần trước đó. Trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt giảm 2,7 triệu và 1,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn đang khá tích cực.
Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã tăng 0,7 triệu thùng/ngày lên mức 20,7 triệu thùng/ngày, cao hơn so mức trung bình 4 tuần.
Mặc dù xuất khẩu dầu Mỹ xuất khẩu dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh gần 3 triệu thùng/ngày xuống còn 2,36 triệu thùng/ngày, cho thấy nhu cầu thế giới thận trọng khi giá dầu Mỹ tăng cao, kéo giá suy yếu nhẹ sau báo cáo. Nhưng nhìn chung, rủi ro thâm hụt tiềm ẩn, cùng nhu cầu tích cực đã đẩy giá tăng trở lại vào cuối phiên.
Lúa mì sụt giảm 3%
Giá lúa mì đã sụt giảm hơn 3% trong ngày hôm qua và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Các thông tin xoay quanh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen vẫn đang là tâm điểm sự chú ý của thị trường.
Theo dữ liệu được Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc của nước này từ đầu niên vụ 2023/24 đến nay đạt 2,76 triệu tấn, bao gồm 1,33 triệu tấn ngô và 1,08 tấn lúa mì. Bộ không đưa ra số liệu trong cùng kỳ năm ngoái nhưng cho biết Ukraine đã xuất khẩu 2,34 triệu tấn ngũ cốc tính đến ngày 12/8 năm ngoái. Hầu hết ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu qua các cảng nước sâu ở Biển Đen nhờ thỏa thuận ngũ cốc, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng trước đã khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy dữ liệu trên cho thấy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine không gặp gián đoạn đáng kể, góp phần gây sức ép lên giá.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhập khẩu lúa mì của nước ta đã giảm 25,3% về lượng và 26% về giá trị so với tháng 6, cho thấy việc giá vẫn cao đã hạn chế nhu cầu đối với mặt hàng này trong ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2,8 triệu tấn lúa mì, tăng 8,7% so cùng kỳ năm ngoái với tổng giá trị nhập khẩu lên đến trên 1 tỷ USD, tăng 2,8% so cùng kỳ 2022.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!