Mỹ là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy kế hoạch tăng tốc chuyển đổi năng lượng. Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry đã vạch ra các nguyên tắc cốt lõi cho kế hoạch bù đắp các-bon “có tính toàn vẹn cao” nhằm giúp các quốc gia đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cùng với việc đưa ra các nguyên tắc nêu trên, Kế hoạch tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA), lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang được Mỹ phát triển cùng với Quỹ Trái đất Bezos và Quỹ Rockefeller để huy động các nguồn vốn tư nhân. Mỹ cũng đang tích cực phối hợp các đối tác Trung Đông để triển khai một số dự án năng lượng sạch. Hôm 15/1, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ tuyên bố sẽ phân bổ 20 tỷ USD để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và tái tạo ở Mỹ với công suất 15 gigawatt (GW) tới năm 2035.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu cũng đang nỗ lực bứt phá để đi đầu trong chuyển đổi xanh. Tại Pháp, Quốc hội vừa thông qua dự luật thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo. Hiện có 19,3% năng lượng tiêu thụ tại Pháp là năng lượng tái tạo và Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu xây dựng 50 nhà máy phong điện ngoài khơi vào năm 2050, so với chỉ một nhà máy hiện nay để sản xuất 40 gigawatt điện.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội WindEurope, sản lượng điện gió chiếm trung bình 15,11% tổng lượng điện được sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU). Giới phân tích chỉ ra rằng, tỷ lệ sản xuất điện gió ở châu Âu ảnh hưởng đến mức tiêu thụ khí đốt và giá khí đốt tương lai. Giá khí đốt tương lai ở châu Âu đã giảm 16% vào ngày 30/12/2022, lần đầu tiên giảm xuống dưới 800 USD/1.000m3 kể từ ngày 16/2/2022, do tỷ lệ dự trữ ở mức cao, thời tiết ấm áp và nhiều gió.
Các nền kinh tế lớn tại châu Á cũng đang nỗ lực để “không bị bỏ lại phía sau” trong cuộc đua chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á-mới đây đã công bố kế hoạch mới nhằm nâng cấp thêm nữa hệ thống đổi mới sáng tạo công nghệ xanh định hướng thị trường tại nước này. Theo đó, Trung Quốc sẽ nâng cấp hơn nữa hệ thống đổi mới sáng tạo công nghệ xanh định hướng thị trường cho đến năm 2025, để những sáng tạo công nghệ xanh hỗ trợ tốt hơn cho phát triển nền kinh tế quốc gia xanh và các-bon thấp.
Kế hoạch này cũng nhấn mạnh mục tiêu tối ưu hóa các phương thức đánh giá công nghệ xanh, tăng cường hỗ trợ về tài khóa và tài chính, bảo vệ tài sản trí tuệ liên quan phát triển công nghệ xanh… Trong khi đó, Indonesia đang chú trọng đầu tư vào hệ sinh thái xe điện để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Bộ trưởng Đầu tư kiêm Trưởng ban Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) Bahlil Lahadalia vừa cho biết, Tập đoàn LG (Hàn Quốc), tập đoàn CATL (Trung Quốc) và Britishvolt (Anh) có kế hoạch đầu tư phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) của Indonesia. Các tập đoàn, công ty này sẽ xử lý tiền chất cathode và tái chế. Đây có thể là hệ sinh thái EV đầu tiên trên thế giới vì chu trình ở các quốc gia khác chỉ là một phần.
Việc các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới khởi động một loạt dự án phát triển năng lượng tái tạo, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là tín hiệu đáng mừng đối với tiến trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Tuy nhiên, số vốn đầu tư nêu trên vẫn chỉ “như muối bỏ bể” đối với nhu cầu thực tế. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng lên hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới công bố năm ngoái của IEA cho rằng, “đầu tư vào năng lượng tái tạo cần tăng gấp đôi lên hơn 4.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này” để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh nêu trên, các dự án chuyển đổi xanh vẫn cần được thúc đẩy quyết liệt và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để tránh cho “hành tinh xanh” của chúng ta phải đối mặt với các thảm họa biến đổi khí hậu nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!