Thách cưới bạc trắng - Chuyện cũ ở Hồng Ngài

Trước đây, muốn cưới vợ cho con trai, mỗi gia đình phải chuẩn bị vài chục đến cả trăm đồng bạc trắng. Luật bất thành văn, nhà nghèo không có bạc trắng phải đi vay và trở thành con nợ, "đời cha không trả đủ đến đời con, đời cháu phải trả”, đó là hiện thực cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hồng Ngài (Bắc Yên) rất nhiều năm trước. Song, từ năm 2007 trở lại đây, ở vùng quê này, chuyện thách cưới bằng bạc trắng đã dần vào quên lãng. Cũng từ đây, tiếng sáo gọi bạn tình mỗi độ xuân về nơi rẻo cao không còn ai oán, đứt đoạn...

Ký ức thách cưới bằng bạc trắng

Để tìm hiểu về tục thách cưới bằng bạc trắng cũng như cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi được cán bộ Ban Dân vận huyện ủy Bắc Yên đưa đến bản Lung Tang, xã Hồng Ngài (Bắc Yên), nơi sinh sống của 169 hộ, với 943 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Mông Đu (Mông Đen). Đây cũng chính là nơi ở của ông Lầu A Phử và bà Mùa Thị IA, nguyên mẫu nhân vật Mỵ và A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài. Cách trung tâm xã Hồng Ngài khoảng 20 km, nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy trên con đường đất, đá ghồ ghề, mấp mô và những con dốc cao dựng đứng vượt qua bản Suối Háo, Suối Chạn, Suối Tếnh để vào bản.

 

Bà Mùa Thị IA, nguyên mẫu nhân vật Mỵ trong chuyện Vợ chồng A Phủ

của Nhà văn Tô Hoài (Bà thọ 116 tuổi và mất năm 2016).

Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 trái khang trang của ông Lầu A Lia ở ngay gần nhà văn hóa bản. Ngồi bên bếp lửa, ông Lia trầm ngâm kể: Trước đây, người Mông thường trao đổi, mua bán với nhau bằng bạc trắng, nhà nào càng có nhiều bạc trắng thì càng giàu có. Không chỉ vậy, bạc trắng còn được dùng trong các lễ cúng quan trọng và trở thành sính lễ không thể thiếu mà nhà gái thách cưới nhà trai. Năm 14 tuổi, tôi được bố mẹ đi hỏi vợ, để đón được dâu về nhà, bố mẹ phải đưa cho nhà gái 60 đồng bạc trắng. Tính ra, số bạc trắng ngày ấy có thể mua được vài con trâu to. 

Nói rồi ông Lia đi lấy cho chúng tôi xem những đồng bạc trắng được cất giữ như bảo vật nhiều năm nay. Cầm trên tay những đồng bạc đã xỉn màu, trên mặt đồng bạc được chạm khắc nổi dòng chữ Piastre de commerce có biểu tượng của nước Pháp là nữ thần tự do Marianne, xem số hiệu in trên đó thì những đồng bạc này được phát hành từ những năm 1906, 1911, 1921, 1922, 1930… Ông Lia bảo: Ở bản khác thì không biết, chứ ở bản này ít người còn bạc trắng. Cuộc sống khó khăn, nhiều người đã bán đi hết rồi. Tôi còn giữ được do khi dựng vợ, gả chồng cho các con không bị thách cưới bạc trắng, nên số bạc mà bố mẹ cho vợ chồng tôi trước kia vẫn còn. Các con khi lấy vợ, tôi chia đều cho mỗi đứa vài đồng làm quà cưới. Còn mấy đồng tôi giữ lại làm kỷ niệm. 

Ông Lầu A Lia, con trai ông Lầu A Phử và bà Mùa Thị IA

(nguyên mẫu nhân vật Mỵ và A Phủ trong chuyện Vợ chồng A Phủ).

Rời Lung Tang, chúng tôi về bản Hồng Ngài gặp ông Mùa A Tủa, nguyên Chủ tịch UBND xã giai đoạn 1984 -1988 để tìm hiểu thêm về tục thách cưới của bà con dân tộc Mông. Ông Tủa năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhớ lại: Trước đây, người Mông có tục bắt vợ, gia đình nhà gái thách cưới cao và đám cưới thường diễn ra linh đình trong nhiều ngày, rất tốn kém. Nhiều đôi vợ chồng trẻ cưới nhau sau nhiều năm mới trả hết nợ. Tục thách cư­ới bằng bạc trắng khi đó thực sự là mối lo cho các gia đình có con trai tới tuổi lấy vợ.

Ông Lầu A Lia, già làng uy tín bản Lung Tang, xã Hồng Ngài (Bắc Yên)

kể chuyện thách cưới bằng bạc trắng.

Câu chuyện của ông Lia và ông Tủa gợi cho tôi nhớ về tác phẩm nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài, thương cảm cho quãng đời tủi nhục “lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” của Mỵ. Chỉ vì ngày xưa bố Mỵ lấy mẹ Mỵ không đủ bạc trắng để dẫn cưới, nên phải vay nhà Thống lý, không trả được nên Mỵ bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà Thống lý Pá Tra... Câu chuyện không chỉ tố cáo tội ác của bọn chúa đất và thực dân xâm lược mà còn lên án những hủ tục lạc hậu, trong đó có tục thách cưới bằng bạc trắng. 

Những đồng bạc trắng ông Lầu A Lia còn lưu giữ.

Không bạc trắng vẫn lấy được vợ

Để giúp đồng bào dân tộc Mông của xã Hồng Ngài nói riêng và của toàn tỉnh nói chung thoát đói nghèo, bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thị và các xã, bản đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, bàn thảo tìm giải pháp, trong đó tiến hành khảo sát, xin ý kiến các già làng, trưởng dòng họ có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông. Kết quả, bản thảo nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” đã ra đời. Tháng 3/2007, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị các bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong toàn tỉnh để thảo luận, thông qua và ký cam kết thực hiện nội dung “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông, trong đó có cam kết “Không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ gả chồng, không sinh đẻ nhiều con”. Và để thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, nội dung bản cam kết còn được dịch sang tiếng Mông. Sau hơn 12 năm kiên trì về từng xã, bản, gõ cửa từng nhà “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của các bộ làm công tác dân vận các cấp trong toàn tỉnh, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ để xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Nói về đổi thay từ việc thực hiện cam kết “Không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ gả chồng, không sinh đẻ nhiều con” ở bản Lung Tang, ông Lầu A Mang, Bí thư chi bộ bản, cho biết: Ban đầu vận động nhiều người không đồng thuận, nhất là người già, vì họ cho rằng sẽ mất đi truyền thống bao đời. Để người dân hiểu, Chi bộ đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể của bản kiên trì phân tích những cái hại của hủ tục, điều lợi của việc thực hiện nếp sống văn minh, rồi phát huy vai trò đi đầu của cán bộ, đảng viên để bà con noi theo. Nếu trước đây, con cái 13 -14 tuổi, bố mẹ đã dựng vợ gả chồng cho, thì nay, con trai họ Lầu đủ 20 tuổi mới lấy vợ, nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con. Khi dựng vợ, gả chồng không thách cưới bạc trắng, hôn lễ được rút ngắn thời gian, không rườm rà, đỡ tốn kém hơn nhiều so với trước đây. 

Chúng tôi được biết, Bí thư Chi bộ bản Lung Tang Lầu A Mang là người gương mẫu, tiên phong trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình để bà con noi theo. Vợ chồng ông chỉ sinh 2 con và lấy vợ cho con khi đủ tuổi kết hôn, không thách cưới bạc trắng khi gả con gái, tổ chức đám cưới kết hợp truyền thống với hiện đại, không tổ chức dài ngày. Ở tuổi 41, tuy đã lên chức ông nội, so ra thì còn quá trẻ, nhưng ở vùng cao thì đây đã là bước tiến dài trong hôn nhân.

Còn anh Mùa A Sáy, bản Mới, xã Hồng Ngài, cho biết: Mình cưới vợ năm 2014. Gia đình tổ chức cỗ cưới trong một buổi thôi và không làm nhiều mâm cỗ. Nhà gái không thách cưới bạc trắng, chỉ đưa lễ một ít thịt, rượu. Sau cưới, vợ chồng mình không phải nợ nần gì cả, tập trung sản xuất, phát triển kinh tế.

Tôi nhớ, khi ông Lầu A Lia kể về ký ức đồng bạc trắng và tục cướp vợ, mấy đứa cháu nội, ngoại ngồi nghe ông kể chuyện chăm chú và tò mò nên xin ông cho xem những đồng bạc trắng. Nhìn cách bọn trẻ lật trước, lật sau đồng bạc xem họa tiết, tôi tin: Thời kỳ “thống trị” của đồng bạc trắng cả trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông chắc chắn đã khép lại. Cuộc sống mới đang dần thay đổi trên quê hương vợ chồng A Phủ.

Đổi thay từ chủ trương đúng và trúng

Việc đồng bào dân tộc Mông ở xã Hồng Ngài xóa bỏ được tục thách cưới bạc trắng tồn tại hàng thế kỷ đã giải phóng được luật tục trong hôn nhân, không còn chuyện ép gả, hủy hôn chỉ vì bạc trắng. Kỳ vọng về việc xây dựng xã Hồng Ngài trở thành một xã tiêu biểu thực hiện nếp sống văn minh của tỉnh đang từng bước thành hiện thực.  

Cán bộ Ban Dân vận huyện ủy Bắc Yên tuyên truyền, vận động bà con bản Lung Tang, xã Hồng Ngài

thực hiện nội dung bản cam kết "5 có, 5 không".

Đồng chí Hờ Lao Cang, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Đồng bào dân tộc Mông cư trú trên địa bàn huyện chủ yếu là Mông Đen, chiếm 42,7% dân số của huyện. Qua tuyên truyền, vận động từ cuối năm 2012 đến nay, huyện có 15 xã, 86 bản, 13 dòng họ tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nội dung bản cam kết "5 có, 5 không"; 4.189/4.217 hộ, 86 bản ký cam kết. Ban Thường vụ huyện ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã. Cũng từ nội dung bản cam kết này, các dòng họ đã cụ thể hóa thành quy ước, hương ước của bản và giao cho những người có khả năng trong dòng họ phụ trách từng việc của "5 có", "5 không" để chỉ bảo mọi người cùng thực hiện. Đến nay, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đặc biệt không còn thách cưới bằng bạc trắng, mà được định giá bằng tiền Việt Nam đồng, nhưng cũng không thách cưới quá 5 triệu đồng. 

 

Trụ sở UBND xã Hồng Ngài (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng khang trang.

12 năm thực hiện nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”, xã Hồng Ngài đã có nhiều thay đổi, con đường khúc khuỷu "chồn chân vó ngựa" ngày xưa nay đã được rải nhựa, xe chạy băng băng từ thị trấn huyện Bắc Yên lên xã Hồng Ngài chưa đầy một tiếng đã đến nơi. Suốt dọc con đường, thay thế cây dần lúa nương là màu xanh của những vườn đồi cây ăn quả, cây dược liệu… Khu trung tâm xã sầm uất với nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ, bán hàng tạp hóa mọc lên san sát, cơ bản đáp ứng những nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt thường ngày của người dân. Trụ sở UBND xã, trường học, nhà văn hóa và trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, điện lưới Quốc gia kéo đến tận các bản… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần qua các năm, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, trong đó có tục thách cưới bằng bạc trắng.

Tôi nhớ mãi khuôn mặt rạng ngời và câu nói chắc như đinh đóng cột của đồng chí Mùa A Chông, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài: Đám cưới ở các bản Mông của Hồng Ngài giờ đã có nhiều thay đổi, đã không còn thách cưới bạc trắng, được thực hiện tiết kiệm, đơn giản, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng của các hộ gia đình, nên vợ chồng trẻ sau cưới không phải gánh nợ như trước. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư giống cây ăn quả, cây dược liệu, vật nuôi, kinh tế chuyển từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Cuối năm 2018, thu nhập bình toàn xã đạt 12 triệu đồng/người/năm; 410/787 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”…

Một góc trung tâm xã Hồng Ngài (Bắc Yên) hôm nay.

Bây giờ về Hồng Ngài, câu chuyện được bà con từ bản gần đến bản xa nói đến nhiều là những cách làm hay, mô hình mới đem lại cuộc sống ấm no. Hồng Ngài trở thành một trong những xã tiêu biểu trong thực hiện “5 có, 5 không” của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đang ra sức phấn đấu để xã trở thành xã vùng cao Bắc Yên đầu tiên tiến kịp vùng thấp trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Minh Thu - Trần Hiền

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới