Là bản nằm ở trung tâm xã Song Pe, bản Pe có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho một miền quê ở huyện vùng cao Bắc Yên.
Nông dân bản Pe làm đất gieo trồng cây vụ đông.
Với 298 hộ đồng bào Mường sinh sống, trong khi đất sản xuất nông nghiệp chỉ có trên 100 ha; trong đó, 12,4 ha ruộng, còn lại đất nương đồi, đất đai đã bạc màu, xói mòn, lại canh tác theo phương pháp truyền thống, nên năng suất các cây trồng đạt thấp; ruộng lúa của bản nằm sát bên suối Pe, trận lũ quét năm 2018 đã vùi lấp 2/3 diện tích, nên cuộc sống của bà con càng thêm khó khăn. Trước thực tế đó, bản Pe đã họp dân bàn cách khắc phục, cải tạo diện tích ruộng bị hư hại; thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đón cán bộ chuyên môn về hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phổ biến cách áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; nhiều hộ gia đình chủ động vay vốn mua cây giống hoặc mắt ghép để cải tạo vườn cây. Tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình là ông Đinh Văn Trấn, ông đã cùng một số hộ dân bàn bạc, thống nhất liên kết thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Trấn Yên. Trên cơ sở đó, các thành viên có thêm cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nông sản..., nhiều hộ hiện đã có mức thu nhập khá từ vườn cây ăn quả trồng trên diện tích đất bạc màu. Cả bản Pe hiện có 70 ha cây nhãn, xoài lai và một số loại hoa quả khác, sản lượng trên 100 tấn quả/năm; chăn nuôi 300 con bò cùng hàng nghìn con gia cầm..., thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm.
Để minh chứng những thay đổi tích cực của người dân bản Pe trong sản xuất, ông Đinh Văn Đoan, Bí thư Chi bộ bản đưa chúng tôi đến thăm vườn đồi rộng 1,2 ha của gia đình ông Đinh Văn Thuận. Trên đường đi, ông Bí thư cho biết hầu hết diện tích cây ăn quả của bản đều trồng trên đất dốc, diện tích trước đây chỉ thu được rất ít ngô, sắn... bởi đất đai quá bạc màu. Nằm ở cuối bản, ngôi nhà xây cấp 4 của ông Thuận khá rộng rãi, sạch sẽ. Ông Thuận bảo, trước đây đồi nhãn nhà ông phát triển tự nhiên, sản phẩm chỉ để phục vụ sinh hoạt của gia đình. Sau mấy lần đi thăm bạn bè ở huyện Mai Sơn, hiểu được nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, các loại cây ăn quả sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nương, ngô, sắn. Vậy là năm 2016, ông quyết định chiết ghép diện tích nhãn, áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. “Đất không phụ công người”, ngay vụ bói quả năm 2018, nhà ông thu hoạch 20 tấn nhãn quả, trị giá trên 300 triệu đồng. Theo ông Thuận, chắc chắn những vụ sau sản lượng quả nhãn sẽ cao hơn nữa. Ông Thuận còn dự tính trồng bưởi da xanh trên diện tích nương để đa dạng hóa sản phẩm.
Cũng từ chia sẻ của ông Đinh Văn Đoan, người dân bản Pe bây giờ không chỉ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống, nhiều người trong độ tuổi lao động của bản hiện đã được giới thiệu đi làm công nhân ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bản hiện có hơn 400 lao động đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi hoặc tại các trang trại sản xuất nông nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Chắc chắn họ sẽ tận dụng cơ hội học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới trong quy trình sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của bà con nơi đây, cuộc sống bản Pe sẽ đổi thay nhanh chóng, tích cực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!