Lớp học “đặc biệt” ở vùng cao Làng Sáng

Với khát khao được biết chữ, nên dù ban ngày phải lên nương làm rẫy vất vả, nhọc nhằn, tối đến, sau khi tất bật lo bữa cơm tối cho gia đình, những phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ở bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên) lại rủ nhau đến lớp, học cách đánh vần, tập viết từng con chữ, nhớ cách cộng trừ, nhân chia để mong sao “cái chữ” sẽ giúp chị em làm chủ được cuộc sống.

Thầy giáo Lò Văn Huấn trong giờ lên lớp tại lớp học "đặc biệt" ở bản Làng Sáng, xã Háng Đồng.

Đã lâu lắm, chúng tôi mới có dịp trở lại Làng Sáng - ở bản vùng cao này khi màn đêm buông xuống, trời hơi lạnh và sương mù phủ dày đặc khiến con đường đất ngoằn nghoèo trở nên bết dính. Đang là vụ sản xuất, nên lớp học chỉ có thể bắt đầu sau gần 9 giờ tối và kết thúc sau đó chừng 2 giờ đồng hồ. Lớp học này thật sự “đặc biệt”, bởi học viên ở đây chủ yếu là phụ nữ, người trẻ nhất khoảng 15 - 16 tuổi, người lớn tuổi nhất khoảng trên 50;  trong số họ, nhiều người chưa một lần “làm quen” với con chữ. Nhiều tối, đến được lớp thì quần áo lấm lem, nhưng không vì thế mà các chị nản lòng. Được chứng kiến thầy giáo nắn từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề của những người “gieo” chữ ở bản làng vùng cao. Từ những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, khi bàn tay của các chị vốn chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, cầm bút thấy gượng gạo, nét chữ ban đầu không theo ý muốn, nhưng vốn bản tính cần cù chịu khó, các chị đã tiến bộ qua từng buổi học, đánh vần rõ ràng, nét chữ cũng tròn hơn, cộng nhẩm cũng nhanh và chính xác hơn.

Làng Sáng là bản nằm ở vùng lõi của rừng đặc dụng Tà Xùa, ở đây quanh năm sương phù bao phủ và gần như tách biệt với bên ngoài. Đời sống mọi mặt của bà con ở đây hết sức khó khăn, tất cả trông chờ vào sản xuất nông nghiệp; phụ nữ lớn tuổi ở bản hầu như chẳng ai biết tiếng phổ thông, quanh năm chỉ biết những nương ngô, nương sắn, số lần xuống chợ huyện đếm chẳng hết mấy ngón tay. Bà Giàng Thị Chu, Chi hội trưởng Hội phụ nữ bản, chia sẻ: Không biết chữ thiệt thòi với phụ nữ lắm. Được tin Hội LHPN huyện phối hợp với Trường Tiểu học Háng Đồng mở lớp xóa mù chữ ở bản, tôi đến ngay từng gia đình tuyên truyền, vận động các hội viên đến lớp học xóa mù chữ đấy! Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhiều người chưa được chồng ủng hộ, phải đến nhà nhiều lần để thuyết phục; có nhà khi hiểu ra thì cả 2 vợ chồng cùng đến lớp. Vui lắm!

Tranh thủ trò chuyện với em Mùa Thị Kia trong giờ giải lao, Kia bẽn lẽn: Năm nay em 16 tuổi. Trước đây cũng đã đi học, nhưng do cuộc sống khó khăn, gia đình thiếu lao động nên em phải đi làm nương, không đến lớp nữa, lâu rồi quên hết con chữ. Được đi học lại, em nhớ ra ngay, bây giờ đã biết đọc, biết viết thành thạo. Còn bà Hạng Thị Plua thoáng chút ngần ngại: Tôi nhiều tuổi rồi, (thầy giáo Lò Văn Huấn cho hay bà năm nay 52 tuổi) học khó vào lắm, học nhiều mới nhớ, chữ nào dài thầy giáo phải bảo nhiều lần mới biết. Học chữ khó thật, nhưng không biết chữ còn khổ hơn, nên mình quyết tâm học thôi.

Được biết, lớp học xóa mù chữ ở bản Làng Sáng khai giảng đầu tháng 12/2018 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 này. Các học viên đều được học tiếng Việt và toán cơ bản. Qua đó, giúp học viên biết đọc, biết viết, biết tính toán. Tuy nhiên, vận động được những người chưa biết chữ ra lớp đã khó, giữ họ học đến hết khóa học còn khó hơn, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Có người thấy học khó quá thì bỏ, nhưng cũng có người bận việc gia đình nên không đến lớp, bởi họ đều là lao động chính trong gia đình; học viên đa số đã lớn tuổi, việc nhận biết mặt chữ, con số rất chậm và lại nhanh quên, nên giáo viên lại phải vất vả thêm, vừa hướng dẫn, vừa diễn đạt lại bằng tiếng Mông, vừa giảng bài mới kèm ôn bài cũ, vừa bố trí thời gian kèm riêng để không ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian học của cả lớp.

Thầy giáo Lò Văn Huấn, giáo viên điểm trường cắm bản chia sẻ với chúng tôi: Do đặc thù của lớp, chúng tôi sắp xếp lịch học sao cho thuận lợi với mọi người nhất. Các buổi tối từ chủ nhật đến thứ năm hằng tuần, chúng tôi dạy theo giáo trình sách lớp 1 để phù hợp với nhận thức của các học viên. Phải học vài tháng thì học viên mới bắt đầu biết viết, biết đánh vần, biết đọc. Theo đăng ký ban đầu, trên 30 học viên theo học, nhưng rồi cứ vơi dần, đến nay chỉ còn 22 người; vì thế, cứ cuối tuần, giáo viên phải ở lại bản để vận động học viên đến lớp đầy đủ.

Quả thực, hành trình chinh phục “con chữ” của những phụ nữ Mông ở Làng Sáng còn rất nhiều khó khăn, nhưng với khát khao và quyết tâm, sự kiên trì, chịu khó, chúng tôi tin các học viên lớp học đặc biệt này sẽ đọc thông, viết thạo, biết làm toán để thay đổi cuộc sống của chính mình.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới