Kỳ vĩ U Bò

Thoát khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của đô thị, cuối tháng 3 vừa rồi, chúng tôi vượt hơn 100 cây số từ Thành phố đến bản Chống Tra, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho hành trình leo núi, ở đêm trong rừng vì mùa này ít mưa và đây cũng là thời điểm đỉnh U Bò đẹp nhất năm vì cỏ cây đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở. Xuất phát từ bản lúc 6 giờ sáng, anh Thào A Páo, ở bản Chống Tra, được mệnh danh là thợ rừng bởi hầu hết những đỉnh núi cao ở đây đều có dấu chân anh, nhận dẫn đường cho chúng tôi.

 

Góc nhìn từ trên đỉnh U Bò.

Con đường lên U Bò chỉ có thể đi bộ ngược con dốc mòn từ bản Chống Tra. Khoảng 30 phút ngược dốc, ở vị trí này nhìn xuống, Chống Tra đang chìm trong sương, ánh nắng sớm ở đỉnh núi phía xa đang cố gắng xuyên qua biển mây cuồn cuộn, bồng bềnh, khiến khung cảnh mờ mờ, ảo ảo. Mùa này, hoa cỏ lào nở trắng khắp cả sườn núi, xen giữa là những cây sơn tra rừng cổ thụ với những trái non lúc lỉu. Khi đến cửa rừng, trước mắt chúng tôi hiện ra ngọn núi sừng sững chắn ngang, nhưng chẳng thể nhìn rõ đỉnh.

 

 

Rêu bám trên thân cây rừng.

 

Đi sâu vào trong rừng chỉ chừng vài chục mét, tán cây rừng bắt đầu khép kín, con đường mòn bắt đầu “nâng cao” độ dốc như thử thách chúng tôi, thậm chí có những đoạn gót chân người đi trước ngang mặt người đi sau. Càng lên cao, gió càng lồng lộng, nhiệt độ dần hạ thấp, xung quanh lũ chim rừng đua nhau “khoe giọng”. Theo A Páo thì ở đây thường xuyên mù mịt sương, nhưng hôm nay thật may mắn càng về trưa thì trời càng quang đãng, ánh nắng có thể xuyên qua kẽ lá rừng dày đặc soi xuống mặt đất đầy rêu ẩm ướt. Có những đoạn đi qua những khe suối chảy róc rách, hai bên suối nhiều loại cây cỏ rất đẹp mắt. Sau 4 tiếng leo núi, chúng tôi lên độ cao 2.200 m so với mực nước biển, một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt chúng tôi. Dưới mặt đất là một thảm thực vật xanh mướt, với những cỏ dại, dâu đất, bông mã đề và nhiều loại thực vật khác đang khoe mình dưới ánh nắng. Càng lên cao, cánh rừng càng trở nên kỳ bí với những thảm rêu bám đầy lối đi, đất, đá, từ gốc cây lên đến ngọn đều phủ một lớp rêu xanh dày đặc. Đến một khu đất bằng, đồng hồ báo hơn 12 giờ trưa, cả đoàn dừng nghỉ, nấu ăn trưa. Tôi thì tranh thủ khám phá.

 

 

Cây cổ thụ có hình thù kỳ quái.

 

Thảm thực vật ở đây được chia thành nhiều tầng, nhiều mảng màu khác nhau. Tầng dưới được bao phủ bởi đám rêu xanh, vàng, xám, mảng màu ấy rộng hay hẹp còn tùy thuộc vào độ chiếu sáng của ánh mặt trời. Nơi nào cây rừng không khép tán, có ánh nắng nhiều hơn thì được trải một lớp cây dương xỉ xanh mướt. Tầng trên lại dành cho các loại cây “ăn bám” với đầy đủ màu sắc rất đẹp mắt. Đặc biệt hơn là lẫn giữa đám dương xỉ đó xuất hiện bạt ngàn cây kim ngân lượng (loại cây được bán làm cảnh ở vùng đô thị) với quả đỏ trĩu cành, thân cây cũng phủ đầy rêu. Nhiều cây cổ thụ vài ba người ôm có lẽ cũng cả nghìn năm tuổi với kiểu dáng nghiêng ngả, cùng với các loại dây leo to như bắp chân chằng chịt, xen lẫn vào đó là những cây chè cổ thụ bám đầy rêu mốc tạo nên khung cảnh kỳ quái, ma mị khiến chúng tôi có cảm giác như lạc vào khu rừng cổ tích vậy... Đang mải mê chụp ảnh, A Páo gọi chúng tôi về dùng bữa. Bữa cơm với gà luộc, rau rừng, đặc biệt là món cỏ canh gà mà A Páo tranh thủ ngắt một nắm lấy dưới chân núi, có mùi rất thơm, có vị ngọt của nước suối trong rừng. Anh bạn người dưới xuôi đi cùng chúng tôi đã từng tham quan nhiều khu rừng, cũng phải thốt lên rằng, chưa bao giờ được ăn món canh ngon và ngắm cảnh rừng đẹp đến vậy. Sau  bữa trưa, thưởng thức ngụm nước được hãm từ những lá chè rừng cổ thụ, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lúc này đã hơn 14 giờ, khu rừng có vẻ âm u hơn và kỳ quái hơn.

 

 

Ngọn đỗ quyên cổ thụ.

 

Khi leo lên đến độ cao gần 2.700 m cũng là lúc trời đã ngả về chiều. Giữa một vùng rừng núi cao vút, hiểm trở và xanh thẳm, bỗng hiện ra trước mắt những cây đỗ quyên hoa bung nở rực rỡ, những bông rụng xuống rải khắp lối đi tạo thành tấm thảm vô cùng quyến rũ, những thân cây xù xì rêu phong..., cảnh sắc khiến chúng tôi bị “hút hồn”. Trèo lên ngọn một cây đỗ quyên để ghi lại những hình ảnh về loài hoa tuyệt đẹp này, nhìn xuống là một màu xanh thẳm của đại ngàn. Ấn tượng nhất là hình ảnh những ngọn sam mu già cỗi đầy rêu phong vươn lên cao khỏi tán cây khác để lấy ánh sáng với vẻ đầy kiêu hãnh. Tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ, ma mị ấy còn có những đóa hoa trắng muốt của một loài cây tầm gửi trên những cây cổ thụ, cùng nhiều loại “kỳ hoa, dị thảo” khác đua nhau khoe sắc càng làm cho khung cảnh như ở thời nguyên thủy. A Páo bảo: Trước đây, rừng có bạt ngàn sa mu mọc cùng khu vực với đỗ quyên, nhưng do bị khai thác nhiều nên giờ chắc chỉ còn vài chục cây sa mu thôi.Việc chăn thả gia súc trong rừng đã làm cho thảm thực vật tầng thấp bị ảnh hưởng nhiều.

 

 

Mảnh kim loại của chiếc máy bay rơi cách đây hơn 60 năm.

 

Màn đêm dần buông, sương mù nhanh chóng kéo về phủ kín khu rừng, nhiệt độ hạ xuống dưới 100C. Đám rêu rực rỡ sắc màu lúc chiều giờ chỉ còn một màu xám xịt ngự trị khắp nơi khiến khu rừng càng trở nên cổ quái. Bữa cơm tối giữa rừng bên ánh lửa bập bùng, cùng với hàng trăm loại côn trùng bay lượn. A Páo kể: Sở dĩ núi U Bò gắn với cái tên Tam giác quỷ là bởi khu vực này có nhiều đỉnh núi cao “chọc trời”, mây phủ quanh năm, cách đây hơn 60 năm, đã từng có máy bay thời chiến tranh đâm vào núi. Hiện vẫn còn vài mảnh kim loại từ xác máy bay, những phần còn lại của máy bay, người dân đã lấy về chế tác thành nông cụ. Nơi này rất ít người đặt chân tới. 2 năm trở lại đây, đã xuất hiện một vài người dưới xuôi lên tham quan, nhưng chưa từng lên đến đỉnh U Bò. Nằm trong tổ bảo vệ rừng của bản, tôi thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng, tuy nhiên vẫn còn xảy ra hiện tượng phá rừng. Tôi nghĩ cảnh đẹp hoang sơ của khu rừng sẽ là điều kiện tốt để phát triển du lịch.

 

Hai ngày trải nghiệm trên đỉnh U Bò với rất nhiều những điều thú vị, song vẫn còn vô vàn những bí ẩn muốn được khám phá, nhưng thời gian, thời tiết không cho phép, nên chúng tôi đành hẹn trở lại với rừng một ngày không xa. Rời U Bò với tâm trạng phấn khởi, nhưng cũng xen lẫn chút lo lắng bởi những điều A Páo cùng người dân luôn trăn trở, làm sao làm tốt được công tác bảo vệ và phát triển rừng, để rừng đặc dụng Tà Xùa với tài nguyên vô giá có thể phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, điều mà nhiều địa phương khác đã thực hiện thành công.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phấn đấu ngày 19/5, khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La

    Phấn đấu ngày 19/5, khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 22/4, đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, đánh giá tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị lễ khởi công dự án.
  • 'UBND tỉnh Sơn La tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

    UBND tỉnh Sơn La tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 22/4, Đại sứ quán Australia do bà Naomi Cook, Tham tán Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc với tỉnh Sơn La về việc đánh giá Dự án Great 2 về “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La (GREAT 2 Sơn La).
  • 'Phù Yên: Đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ

    Phù Yên: Đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ

    Huyện Phù Yên -
    Sáng 22/4, huyện Phù Yên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận và an táng hài cốt Liệt sĩ Triệu Văn Hìn tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh; đại diện UBND huyện Phù Yên cùng cấp uỷ, chính quyền thị trấn Quang Huy, xã Tân Lang, thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo nhân dân.
  • 'Sơn La triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025

    Sơn La triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025

    Kinh tế -
    Ngày 22/4, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (Ban Chỉ đạo 598) đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025.
  • 'Quỳnh Nhai tích cực chuyển đổi số

    Quỳnh Nhai tích cực chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai chủ động xây dựng giải pháp chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
  • '“Cầu nối” giữa Đảng với nhân dân

    “Cầu nối” giữa Đảng với nhân dân

    Xây dựng Đảng -
    Hiện nay, huyện Bắc Yên có 21 báo cáo viên cấp huyện, 324 tuyên truyền viên cấp cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng tại cơ sở, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
  • 'Phụ nữ Gia Phù xây dựng nếp sống văn minh

    Phụ nữ Gia Phù xây dựng nếp sống văn minh

    Nông thôn mới -
    Xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành hành động, được hội viên phụ nữ xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tích cực hưởng ứng, với những mô hình, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả.
  • 'Diễn đàn cử tri

    Diễn đàn cử tri

    Diễn đàn cử tri -
    Một số vấn đề cử tri quan tâm: Đẩy nhanh tiến độ tuyến đường liên xã Chiềng Khừa - Lóng Sập; Sửa chữa đoạn tuyến từ Km71+300 đến Km80+00, quốc lộ 279D; Hỗ trợ sản xuất cho nhân dân thuộc vùng di dân TĐC thủy điện Sơn La nĐảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế để khám, điều trị bệnh