Khởi nghiệp là quá trình hiện thực hóa một ý tưởng kinh doanh từ việc thành lập và từng bước vận hành doanh nghiệp một cách sáng tạo. Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đó chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn.
Gian trưng bày sản phẩm của anh Giàng A Dạy (ngoài cùng bên phải) tại Diễn đàn Dân tộc thiểu số phát triển năm 2017.
Tại tỉnh ta thời gian qua, phong trào khởi nghiệp cũng đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mô hình khởi nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Với đam mê kinh doanh và mong muốn góp 1 phần sức trẻ để xây dựng quê hương, sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Tây Bắc), anh Là Văn Phong, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã cùng với nhóm bạn thân thành lập HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để phát huy tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện. Những sản phẩm dịch vụ của HTX, gồm: Thiết kế tổ chức tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; nuôi và chế biến thủy sản. Để có kiến thức về hướng dẫn du lịch, các thành viên trong nhóm đã đăng ký học lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên tại Trường Cao đẳng Sơn La, thuê lại thuyền của người dân địa phương sau đó tân trang lại. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã tổ chức được hơn 200 tour du lịch, nuôi 44 lồng cá và chế biến sản phẩm cá tép dầu để bán cho khách du lịch. Khi được hỏi về những khó khăn trong hoạt động của HTX, anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX cho biết: Thực tế hầu hết các thành viên trong nhóm không được đào tạo bài bản về các lĩnh vực mình kinh doanh. Sự hiểu biết về địa danh, lịch sử và văn hóa địa phương vẫn là chưa đủ. Bởi vậy các dịch vụ của HTX vẫn còn thiếu chuyên nghiệp.
Không chỉ thiếu các kỹ năng kinh doanh, vấn đề về vốn cũng đang là trở ngại lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi khởi nghiệp. Giàng A Dạy, chàng thanh niên dân tộc Mông ở xã Mường Bon (Mai Sơn) được biết đến là người đã và đang góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con vùng cao. Với kiến thức và hiểu biết sau khi tu nghiệp tại Israel - quốc gia hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao, về bản, Giàng A Dạy đầu tư mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh vườn của gia đình.
Với số vốn ít ỏi tích cóp được từ tiền công lúc đi tu nghiệp, Giàng A Dạy đã đầu tư làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm giống rau. Hiện, chất lượng các sản phẩm nông sản của anh đã được nhiều người kiểm nghiệm và biết đến. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong việc sản xuất là cần có nguồn nước tưới ổn định. Giàng A Dạy cho biết: Hiện tại, gần 4 ha rau của gia đình đang dùng nguồn nước suối cách nhà 2 km, vào mùa khô, suối sẽ cạn, lúc đó không có nước để sản xuất. Để có nguồn nước ổn định cho trang trại thì cần khoảng 150 triệu đồng mà hiện tại tôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn nào để cải thiện tình hình.
Trao đổi với bà Cà Thị Thỏa, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng (Thành phố), được biết: Với mong muốn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, năm 2015, bà đã thành lập Tổ sản xuất dệt thổ cẩm tiêu dùng, với 10 thành viên. Sau khi thành lập và đi vào sản xuất, bà Thỏa đã chủ động tìm kiếm bạn hàng để tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên đến nay thị trường tiêu thụ những mặt hàng thổ cẩm tiêu dùng của Tổ sản xuất vẫn dừng lại ở việc bán tại chỗ. Những những sản phẩm dệt tay truyền thống dù mẫu mã và họa tiết đẹp song cũng không cạnh tranh được về giá thành so với sản phẩm được may công nghiệp. Sản xuất thì cầm chừng phụ thuộc vào thị trường, vì thế doanh thu của Tổ cũng như thu nhập của các thành viên chưa cao, trung bình khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ năng kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là những thách thức lớn đặt ra trong quá trình khởi nghiệp của bà con dân tộc thiểu số. Để vấn đề khởi nghiệp đạt kết quả cần có những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay. Với nhiều nghiên cứu và song hành cùng nhiều dự án khởi nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, tiến sỹ Hoàng Xuân Trọng (Trường Đại học Tây Bắc) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả, từ chính việc phát huy giá trị của những giá trị văn hóa gắn với thiên nhiên và đời sống lao động sản xuất của bà con, tạo thu nhập và công việc cho người dân. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ để có thể khởi nghiệp hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là cá nhân người khởi nghiệp cần có kiến thức và làm chủ quy trình, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hướng đến nhu cầu thị trường. Người khởi nghiệp cần nâng cao kỹ năng giao tiếp hợp tác trong việc tìm kiếm thị trường ổn định.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì khởi nghiệp có đặc thù riêng. Nếu thành công, khởi nghiệp không chỉ tạo việc làm, phát triển kinh tế mà còn mang mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa vùng miền và quan trọng hơn là tạo cơ hội và hỗ trợ thúc đẩy sự tự tin của đồng bào dân tộc thiểu số hòa nhập vào dòng chảy chung của khởi nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, rất cần có một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chuyên nghiệp, giúp người khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận với hoạt động khởi nghiệp, là cầu nối kết nối chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tư vấn cho người dân cách làm, giúp họ khởi nghiệp thành công.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!