Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Giám sát, phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời phổ biến nhân rộng. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội và đảm bảo tính hiệu quả...

Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì thực hiện được hơn 5.700 cuộc giám sát; tham gia gần 4.700 cuộc giám sát của cấp ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (cấp tỉnh), Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các cấp. Trong đó, có nhiều nội dung khó, phức tạp mà cử tri, nhân dân và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường thị trấn thực hiện hơn 2.500 cuộc giám sát; Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện hơn 6.400 cuộc giám sát, tập trung các nội dung: Thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; các loại quỹ do nhân dân đóng góp; chính sách về vốn hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, giống cây trồng; giám sát việc niêm yết danh sách cử tri trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; quy trình bầu trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố; xây dựng các công trình công cộng; giám sát việc quản lý, kinh doanh vật tư nông nghiệp; công tác tiếp công dân, hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội vào 5.600 dự thảo văn bản của cấp ủy, cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đang còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Công tác tuyên truyền việc triển khai và kết quả thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp hoạt động; công tác phối hợp với chính quyền có nội dung còn chưa kịp thời. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hằng năm chưa đồng đều ở các cấp; việc lựa chọn nội dung, xác định đối tượng giám sát có lúc, có nơi chưa phù hợp. Trình độ, năng lực cán bộ tham mưu công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.

Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian tới thực sự phát huy hiệu quả, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, các cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường trách nhiệm tiếp thu, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của MTTQ Việt Nam sau kết quả giám sát, phản biện xã hội; bảo đảm các điều kiện cho MTTQ thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giám sát, phản biện xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, bảo đảm phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất mọi năng lực giám sát, phản biện xã hội; thu hút và phát huy tốt vai trò, sự đóng góp trí tuệ của các ủy viên ủy ban mặt trận các cấp, các nhân sỹ, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, những người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý tham gia các hoạt động của Mặt trận.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đủ năng lực, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, đào tạo chuyên sâu cán bộ chủ chốt làm công tác Mặt trận các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên ở nơi cư trú.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới