Đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Trong những năm qua, thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống cho đồng bào, góp phần ổn định định canh định cư, giữ vững an ninh chính trị trật tự xã hội.

Thông qua các chương trình, dự án, chính sách, trong sản xuất và đời sống, từ tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh, đến nay, cơ bản người dân vùng dân tộc ở các xã, bản đặc biệt khó khăn đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi; nhiều hộ đã chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, như: Mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình trồng chanh leo, xoài, nhãn, chè... góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ, tổng các nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 237 tỷ 228 triệu đồng, trong đó: Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề là 13 tỷ 345 triệu đồng; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là 172 tỷ 128 triệu đồng; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn là 49 tỷ 755 triệu đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030.

Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sinh kế, việc làm, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, bản ĐBKK vùng DTTS và miền núi không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên, với mục tiêu chung là phải đảm bảo cho đồng bào có đất sản xuất và sinh kế bền vững.

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, tạo việc làm nghề rừng, gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) như: Hỗ trợ khoán bản vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ. Trợ cấp gạo trồng rừng cho hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết hợp tác trong trồng rừng, phát triển rừng, phát triển rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển lâm sản ngoài gỗ; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản. Thực hiện tốt chính sách về dịch vụ môi trường rừng hiện có, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách mới để huy động thêm nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án.

Tiếp tục xây dựng dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Với các địa phương có thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, lựa chọn dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho phù hợp; lựa chọn loại hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế phù hợp theo nhu cầu.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới