Qua đánh giá mô hình triển khai năm 2023 và năm 2024, huyện Mộc Châu đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong tư duy chỉ đạo, giải pháp thực hiện phát triển vùng thâm canh trồng ngô sinh khối làm thức ăn thô cho nuôi đại gia súc, chăn nuôi bò sữa, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm sữa theo hướng bền vững.

Huyện Mộc Châu đã xây dựng mô hình, làm cơ sở nhân rộng gắn với các chính sách của HĐND tỉnh để hỗ trợ người dân trồng ngô sinh khối, mở rộng diện tích. Ngoài hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với hộ tham gia mô hình, huyện đang nghiên cứu, vận dụng các chính sách, các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển giao thông nội đồng đến vùng trồng ngô sinh khối để thuận tiện thu hoạch, vận chuyển. Khảo sát nắm tình hình các hộ, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và giúp đỡ cho các hộ vay vốn để trồng cây ngô sinh khối (nếu có nhu cầu) từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất hiệu quả hơn.

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, phân tích: Số lượng đàn bò sữa Mộc Châu ngày càng tăng, nhu cầu thức ăn từ ngô sinh khối tăng, chi phí vận chuyển ngô sinh khối ở Mộc Châu thấp hơn khoảng 30% so với các huyện khác, nhất là các tỉnh khác. Do vậy, cần phát triển vùng trồng ngô sinh khối ở các xã của huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Diện tích trồng ngô sinh khối trước đây ở huyện Mai Sơn, Yên Châu,… nên chuyển về trồng cây mía, cà phê, rau quả… để phục vụ cho các nhà máy chế biến trên địa bàn đó và giảm tải cho quốc lộ 6 (mỗi năm khoảng 15.000 chuyến xe chở ngô sinh khối cho đàn bò sữa), giảm những chi phí mà không ai được lợi.

Đoàn công tác của Huyện ủy Mộc Châu làm việc với xã Tân Hợp về phát triển trồng ngô sinh khối. 

Tân Hợp là xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, cây ngô sinh khối còn khá mới mẻ với bà con nông dân. Nhưng khi triển khai chủ trương đưa cây ngô sinh khối vào sản xuất đã nhận được sự hưởng ứng của các hộ dân, bên cạnh việc bán cây ngô cho hộ gia đình nuôi bò sữa cũng dần phát triển quy mô chăn nuôi đại gia súc theo chính sách hỗ trợ trong các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đoàn công tác của Huyện ủy Mộc Châu kiểm tra tình hình phát triển vùng trồng ngô sinh khối tại xã Tân Hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển vùng nguyên liệu, đồng chí Đinh Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp, nói: Đảng ủy xã chỉ đạo tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích trồng ngô sinh khối. Thành lập tổ công tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ngô sinh khối ở xã để làm đầu mối hướng dẫn nông dân trồng loại giống ngô phù hợp, năng suất cao, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ dân. Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên các hộ nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật và thống nhất thời gian tổ chức thu hoạch, thu mua sản phẩm bán cho Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam. Chỉ đạo hộ dân tham gia tổ hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất cây ngô sinh khối. Giao diện tích trồng ngô sinh khối tập trung cho các bản có diện tích đất ruộng, đất bằng, độ dốc thấp, thuận tiện xe ô tô vào thu mua. Vụ xuân hè, toàn xã trồng 141 ha ngô sinh khối, đạt 104,4% kế hoạch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn bò sữa, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, hộ chăn nuôi bò sữa có định hướng phát triển bền vững, yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, ổn định chi phí sản xuất.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Ông Nguyễn Công Cường, đơn vị chăn nuôi 26/7, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi mô hình liên kết được triển khai, các hộ chăn nuôi bò sữa yên tâm có nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá ổn định, còn các hộ trồng ngô sinh khối đảm bảo đầu ra sản phẩm với giá bán hợp lý và có lãi.

Xây dựng chuỗi ngô sinh khối sẽ giảm diện tích trồng ngô truyền thống và mở ra hướng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả cho bà con nông dân ở Mộc Châu, nhất là các xã vùng hạ huyện, vùng dọc sông Đà, vùng cao biên giới bởi điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, địa hình), trình độ canh tác, khả năng đầu tư của người dân ở khu vực này không có nhiều lựa chọn và lợi thế khi xác định đối tượng chuyển đổi. Mặt khác, thay đổi tư duy, cách làm của các hộ dân sang sản xuất có định hướng, kế hoạch mang lại hiệu quả hơn. Nếu như trước đây, người dân trồng ngô được giá thì bán cây, không thì bán ngô bắp, thì hiện nay, ngay từ đầu vụ, các hộ dân đã xác định trồng ngô sinh khối theo quy trình kỹ thuật, trồng mật độ cao hơn nên năng suất cao hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất.

Hiện nay, ngoài các hộ nông dân trồng ngô và chăn nuôi bò sữa, chuỗi liên kết có 8 đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia cung ứng dịch vụ về phân bón, giống, thu mua, vận chuyển, thái băm cây ngô và công nghệ ủ ướp ngô sinh khối. Mặc dù các đơn vị đã tích cực tham gia chuỗi, nhưng vẫn còn những hạn chế, như việc thu mua thời gian qua vẫn còn có lúc chưa kịp thời…

Huyện Mộc Châu đã và đang làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện đúng cam kết thu mua với giá cây ngô đứng tối thiểu 950 đồng/kg; thống nhất đầu mối, tổ chức mua ngày càng hợp lý hơn và đảm bảo lợi ích của từng khâu trong chuỗi nông sản.

Đóng vai trò quan trọng, cầu nối xây dựng chuỗi liên kết, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Cây ngô sinh khối được chúng tôi thu mua phục vụ đàn bò tại Trung tâm giống của Công ty và làm nguyên liệu sản xuất thức ăn hỗn hợp TMR cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò sữa với số lượng lớn. Chúng tôi cam kết thu mua hết sản phẩm ngô sinh phối cho các bà con các xã thuộc hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng ngô, người chăn nuôi bò sữa và Công ty cổ phần Giống bò sữa, ngay từ đầu vụ, huyện Mộc Châu và các doanh nghiệp thống nhất giá cam kết thu mua cây ngô tối thiểu 950 đồng/kg.

Quá trình thu hoạch và chế biến ngô sinh khối.

Đại diện đơn vị thu mua, cung ứng dịch vụ chuỗi liên kết, bà Nguyễn Thị Ngà, Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam, cho hay: Sau thành công mô hình ở xã Tân Hợp, Công ty tiếp tục triển khai liên kết trồng ngô sinh khối ở xã Tân Lập, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân để cung cấp cho Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Công ty đã đầu tư thêm máy liên hoàn thu hoạch, thái băm để thu hoạch trong thời gian nhanh nhất, có lợi cho người trồng ngô. Ngoài ra, còn cung ứng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ ủ kín bằng men vi sinh cho ngô sinh khối.

Có thể khẳng định, chủ trương phát triển vùng trồng cây ngô sinh khối gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững cho đàn bò sữa Mộc Châu là đúng, trúng, hiệu quả. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu và sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các hộ nông dân, sẽ gắn chặt các “mắt xích”, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững. Sản xuất cây ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua tổ chức sản xuất, đầu tư thích hợp, tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy cho phát triển đàn bò sữa, nâng cao chất lượng sữa Mộc Châu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân./. (Hết)

Tác giả: Phạm Đức - Việt Anh - Duy Tùng

Thiết kế: Bảo Khánh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm