XB: 13/05/2025 - 08:47

Huyện Quỳnh Nhai có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 83%, chủ yếu là người Thái trắng. Nhắc đến Quỳnh Nhai, mọi người thường nghĩ ngay đến hình ảnh những chàng trai, cô gái người Thái duyên dáng với cây đàn tính tẩu, hát then, múa nón. Văn hóa của người Thái trắng Quỳnh Nhai được hình thành, phát triển gắn với đời sống, sinh hoạt, tập quán sản xuất của cư dân vùng sông nước.

Đồng bào Thái trắng nơi đây vẫn còn lưu truyền tích chuyện về Nàng Han, vị nữ tướng có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi, được nhân dân tôn kính lập miếu thờ tại Mường Chiên từ cách đây hàng trăm năm. Thực hiện công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La, năm 2011, huyện đã tổ chức di dời đền Nàng Han và đền Linh Sơn Thủy Từ (đền thờ thần sông, thần núi, tạo bản, tạo mường có công khai phá Quỳnh Nhai) từ Mường Chiên đến khu Huổi Nghịu, xã Mường Giàng. Đồng thời, đầu tư xây dựng khang trang hơn, đáp ứng nguyện vọng của bà con bản địa, lưu giữ truyền thống và niềm tự hào dân tộc. Hiện nay, tại xã Mường Chiên vẫn còn giữ miếu Tu Tỉ Nàng Han, là nơi để bà con nơi đây thể hiện sự ngưỡng vọng với vị nữ tướng tài ba của dân tộc.

Nổi bật trong văn hóa của đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai phải kể đến những lễ hội, nghi lễ truyền thống đặc sắc. Trong đó, phải kể đến lễ hội Kin Pang Then của dân tộc Thái, được tổ chức vào đầu năm với nhiều hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, cầu cho năm mới khỏe mạnh, thuận lợi và phần hội sôi nổi, mang tính cố kết cộng đồng cao. Lễ hội gội đầu (Lung ta) được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm để tưởng nhớ Nàng Han, xua đi những điều không tốt đẹp của năm cũ để cầu cho năm mới nhiều may mắn. Năm 2020, hai lễ hội này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  

Quỳnh Nhai còn nổi tiếng với Lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức với quy mô cấp huyện hằng năm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch của huyện. Lễ hội mang dấu ấn đặc trưng của cư dân vùng sông nước, được khởi phát từ chính nếp sống gắn bó với sông Đà của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai, trong đó có người Thái trắng.

Cùng với các lễ hội đặc sắc, người Thái trắng Quỳnh Nhai còn lưu giữ nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần có từ lâu đời. Đó là nghệ thuật hát then, đàn tính, múa nón, múa khăn…. Hát then, đàn tính gắn liền với tín ngưỡng của đồng bào Thái. Các thầy “mo then” luôn là những người được tôn kính trong cộng đồng, là những người kết nối với thế giới tâm linh, cầu mong cho nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Quỳnh Nhai hiện có 1 Nghệ nhân dân dân, 5/7 Nghệ nhân ưu tú là người Thái trắng, am hiểu về tín ngưỡng dân tộc và các loại hình trình diễn dân gian.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhiều câu lạc bộ hát then, đàn tính, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa đã được thành lập. Cùng các đội văn nghệ với thành viên ở nhiều lứa tuổi đã và đang góp phần tích cực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Hay các sự kiện văn hóa – du lịch được huyện tổ chức hằng năm, các hoạt động phục dựng lễ hội, hỗ trợ thành lập đội văn nghệ truyền thống, các chính sách khuyến khích, ưu tiên bảo tồn văn hóa… là những giải pháp quan trọng giúp Quỳnh Nhai làm tốt công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất văn hóa Thái trắng gắn với phát triển du lịch vùng lòng hồ sông Đà.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm