Khu vực cầu Pá Uôn nơi diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến cổ vũ.

Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch được huyện Quỳnh Nhai tổ chức hằng năm nhằm cụ thể hóa định hướng tại Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Định hướng phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia của UBND tỉnh.

Đến với ngày hội, nhân dân và du khách có những trải nghiệm, khám phá nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, như: Đua thuyền truyền thống; không gian văn hóa các dân tộc, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, sản vật địa phương và sản phẩm OCOP tiêu biểu; chợ cá sông Đà; triển lãm ảnh đẹp du lịch Quỳnh Nhai; Lễ hội mùa hoa gạo bên sông; thi trình diễn trang phục các dân tộc; thi đấu các giải thể thao; trải nghiệm các trò chơi truyền thống; trải nghiệm tham quan danh lam, thắng cảnh, du lịch văn hóa  tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái lòng hồ sông Đà…

Lễ Khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025.

 “Quỳnh Nhai - Bừng sáng miền di sản” là chủ đề xuyên suốt chương trình Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025. Với sự tham gia của ca sĩ, diễn viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng của huyện.

Chương trình gồm nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, với chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mừng xuân mới và tình yêu quê hương, đất nước; tái hiện bức tranh tổng thể về cuộc sống mới nơi vùng quê bên sông Đà đầy sinh động, đa màu sắc, để lại nhiều cảm xúc sâu lắng trong lòng khán giả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới với nhiều thành công. 

Các đại biểu dâng hương Đền Linh Sơn - Thủy Từ và lấy nước cầu may tại giếng Ngọc, Đền Nàng Han.

Dâng hương tại Đền Linh Sơn - Thủy Từ và Đền Nàng Han, các đại biểu dự Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025 thành kính cảm tạ thần sông, thần núi; bày tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han, một nữ tướng dân tộc Thái giả trai để cầm quân đánh đuổi kẻ thù xâm lăng, đem lại cuộc sống thanh bình cho dân bản. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quỳnh Nhai nguyện một lòng đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Quỳnh Nhai trở thành huyện nông thôn mới.

Tại bến đua thuyền cầu Pá Uôn, đã diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống với sự tham gia của 280 vận động viên của 10 đội đến từ các xã, thị trấn của huyện Quỳnh Nhai; đội thi đến từ huyện Mường La và đội thi của thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Các đội thi đấu ở 2 nội dung: Đồng đội nam; đồng đội nam, nữ phối hợp; thi đấu cự ly 1.500 m. Thuyền đua là thuyền độc mộc hình đuôi én được làm bằng thân một cây gỗ. 

Từng chiếc thuyền đuôi én đua nhau rẽ sóng vươn tới đích trước sự reo hò, cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn khán giả, du khách tập trung ở hai bến sông và trên cầu Pá Uôn. Trong không khí hứng khởi của những ngày đầu xuân, năm mới, nhân dân và du khách đổ về khu vực tổ chức Lễ hội đua thuyền mỗi lúc một đông hơn, tạo không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt.

Lễ hội đua thuyền truyền thống góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của cư dân sinh sống vùng ven hồ thủy điện Sơn La; tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh, mang đến khí thế hào hứng, phấn khởi, hy vọng về một năm may mắn, an lành và thành công.

Lễ hội mùa hoa gạo bên sông.

Điểm nhấn trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025 là Lễ hội mùa hoa gạo bên sông với lần đầu tiên được tổ chức đã mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm ý nghĩa. Lễ hội đã tái hiện không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai cùng những màn trình diễn dân ca, dân vũ độc đáo và ấn tượng.

Tái hiện lễ hội Kin Pang Then.

Tham gia lễ hội có hơn 150 nghệ nhân, diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng của các câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc, các đội văn nghệ, câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc văn hóa” từ các bản, tiểu khu của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điểm nhấn của lễ hội là phần trình diễn tái hiện trích đoạn Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng Quỳnh Nhai. Đây là lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời và được người Thái trắng nơi đây gìn giữ. Năm 2020, Lễ hội Kin Pang Then được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa sạp tại Lễ hội.

Tham gia Lễ hội hoa gạo bên sông, nhân dân và du khách còn được thưởng thức những màn biểu diễn ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Trình diễn múa xòe, múa sạp truyền thống của dân tộc Thái; hòa tấu nhạc cụ dân tộc Thái, độc tấu đàn nhị, đàn tính; biểu diễn các điệu múa đặc sắc dân tộc Mông, nhảy dân vũ hiện đại…

Lễ hội hoa gạo bên sông mang đến không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ Quỳnh Nhai. Các phần trình diễn được phục dựng vừa giữ được bản sắc, giá trị nguyên bản, vừa mang yếu tố biểu diễn đáp ứng thị hiếu người xem. Đây cũng là hoạt động mang lại không khí sôi động, tạo sự hấp dẫn cho Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2025, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người miền đất bên sông Đà đến đông đảo du khách gần xa. 

Các hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian được đông đảo du khách đến xem, cổ vũ và trải nghiệm

Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quỳnh Nhai đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và những du khách gần xa, thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo không khí vui tươi, tự tin bước vào một năm mới nhiều thành công, cùng nhau xây dựng vùng đất bên sông Đà ngày càng giàu đẹp.

Thực hiện: Nhóm phóng viên

Thiết kế: Bảo Khánh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm