Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Nhọc nhằn nghề giữ rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa rộng 17.650 ha. Về hành chính, Khu bảo tồn thuộc địa bàn xã Suối Tọ, Mường Thải (Phù Yên) và xã Háng Đồng, Tà Xùa (Bắc Yên), giáp với các bản của Trạm Tấu (Yên Bái). Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao với 613 loài thực vật, 348 động vật cùng những cánh rừng già nguyên sinh... nên những người giữ rừng nơi đây đã phải đổ bao mồ hôi, công sức để bảo vệ rừng.

Kiểm tra rừng tại khu vực suối Làng Sáng Nhỏ, bản Háng Đồng C.

Những ngày cuối tháng 12, tôi có cơ hội được cùng ăn, cùng ở và cùng tuần rừng với các cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa. Có đi, có đến mới biết công việc tuần rừng của các anh không hề đơn giản chút nào...!

5 giờ sáng, cái lạnh cắt da cắt thịt nơi vùng cao Háng Đồng (Bắc Yên) khiến người ta phải sờn lòng. Những làn sương mù trắng bạc dày đặc bao chùm các đỉnh núi, giăng kín lối đi, cách nhau vài mét không tỏ rõ mặt. Sớm là vậy, nhưng các cán bộ kiểm lâm địa bàn của Trạm Kiểm lâm Háng Đồng đã dậy từ trước đó và chuẩn bị xong lương thực, thực phẩm và tư trang cho công việc tuần rừng. Ngồi nhâm nhi chén chè Tà Xùa nóng bên bếp lửa, anh Nguyễn Trọng Lưu, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa, bảo: Lạnh thế thôi nhưng đi rừng cũng chỉ cần áo khoác nhẹ. Sợ lạnh khi về đêm thì cho vào ba lô chiếc áo ấm. Bởi vào rừng khoảng 30 phút đi bộ là nóng ngay thôi mà. Tư trang, thực phẩm đã chuẩn bị đủ cả, ăn sáng xong, 6 giờ hơn đoàn sẽ xuất phát... Nhà báo cứ yên tâm, đi với kiểm lâm vào rừng thì không bao giờ sợ lạc và sợ đói.

6 giờ hơn, đoàn tuần rừng 7 người bao gồm cả tôi bắt đầu xuất phát. Lúc này, sương đọng trên cành cây bắt đầu tí tách rơi xuống mặt đất, khiến cho mỗi bước chân của các thành viên trong đoàn thêm khó hơn. Đất đỏ bám đầy gót giầy như muốn níu từng bước chân; nhiều đoạn trơn trượt như đổ mỡ lên mặt đường, mặc dù có gậy chống nhưng thi thoảng vẫn có thành viên “chổng vó lên trời”. Cả đoàn xuất phát được gần 1 tiếng đồng hồ từ trung tâm xã thì có mặt tại cửa rừng - nơi bắt đầu bước chân vào vùng lõi của Khu bảo tồn. Lúc này, đoàn bắt gặp một tốp 5 người có mặt tại khu vực cửa rừng. Theo như kinh nghiệm của các kiểm lâm địa bàn thì những người này vào rừng để lấy phong lan, măng rừng. Các kiểm lâm địa bàn yêu cầu những người này ra khỏi rừng và giải thích để cho nhóm người này hiểu về việc làm của họ là vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Anh Cầm Thế Dâm, Trạm trưởng Kiểm lâm Háng Đồng, bảo: Do lực lượng mỏng, tháng tuần rừng 2 lần, trong khi người vào rừng hằng ngày không phải là ít nên Trạm tập trung vào công tác tuyên truyền là chính để thay đổi nhận thức của bà con. Những hành vi như vậy, chúng tôi chỉ nhắc nhở, nếu vi phạm lần 2 sẽ lập biên bản theo quy định.

Sau khi tốp 5 người ngược ra ngoài rừng theo yêu cầu của cán bộ kiểm lâm địa bàn, chúng tôi tiếp tục men theo đường rừng trơn trượt với những con dốc “chồn chân vó ngựa” để hướng về bản Háng Đồng C. Chặng đường của chúng tôi lúc thì rẽ ngang, lúc thì tụt xuống dốc và có lúc lại vượt qua những con suối, đi trên những tảng đá trơn trượt với bề mặt phủ đầy rêu. Có nhiều đoạn, theo nguồn tin của người dân trước đó, có một cây sến cổ thụ bị đổ do già cỗi hay gió bão, đoàn phải xuyên qua những đoạn rừng rậm rạp, luồn dưới những thân cây đổ do gió bão hay vội vã chạy qua những khu vực đầy vắt. Cứ như vậy, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ tính từ khu vực cửa rừng, các thành viên trong đoàn bám theo nhau luồn rừng, ngược dốc, băng qua suối để kiểm tra rừng, kiểm đếm số cây rừng bị đổ do gió bão hay những khu vực có gỗ quý... Giữa mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt nhưng các thành viên trong đoàn ai cũng vã mỗ hôi. Mồ hôi hòa cùng sương sớm khiến quần áo ai cũng ướt sũng. Khi đồng hồ điểm 11 giờ, đoàn dừng chân bên dòng suối Làng Sáng nhỏ để ăn trưa. Đây là dòng suối trong xanh, mát lạnh quanh năm với rất nhiều cá, cua, ếch, đặc biệt là loài cá Dầm Xanh - một trong 4 loài cá xưa kia từng chỉ để cung tiến Vua. Đến giờ phút này, người dân nơi đây vẫn chưa lý giải được tại sao tận trên cao như vậy lại có cá, đặc biệt là cá Dầm Xanh, chỉ biết rằng từ những năm kháng chiến chống Pháp, khi cán bộ lên đây nằm vùng đã thấy cá đầy suối rồi... Kiểm lâm địa bàn Sòi Ngọc Hải bảo: Đi nhiều cũng thành quen. Rừng chỗ nào có cây gì, khu vực suối nào có nhiều cá, có nhiều ếch, có rau, có hoa chuối rừng hay khu vực nào nhiều vắt... anh em trong Trạm đều thuộc như lòng bàn tay. Ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại xã cũng thấy do dự vì đi lại khó khăn, nhưng rồi cũng quen và thấy yêu nghề hơn. Có những người hàng tháng do tính chất công việc phải xa gia đình, vợ con nhưng vẫn không quên nhiệm vụ. Thực lòng mà nói, nếu không yêu rừng, yêu công việc của mình thì khó có thể bám trụ được nơi đây. Bởi ngoài những nguy hiểm, vất vả khi đi tuần rừng, anh em còn phải bản lĩnh vượt qua những cám dỗ để giữ được màu xanh của rừng hay phải mềm dẻo xử lý công việc khi gặp phải những vụ việc phức tạp...

Sau bữa cơm trưa bên suối Làng Sáng nhỏ, nghỉ ngơi một lúc, các thành viên trong đoàn lại tiếp tục công việc như lúc sáng nhưng ở những địa điểm, khu vực khác, cùng với những những khó khăn, vất vả chỉ những người đi tuần rừng mới cảm nhận rõ. Cứ như vậy, trong thời gian 3 ngày, tôi đã may mắn được theo chân những người giữ rừng, được cảm nhận những khó khăn, nguy hiểm của các anh... Ban ngày thì xuyên rừng, vượt núi kiểm tra rừng, đêm xuống nếu may mắn gần đó có nhà dân thì đoàn sẽ có chỗ ngủ ấm thay vì phải đốt lửa ngủ ngoài rừng... Sang ngày thứ 4, cũng bởi tính chất công việc cũng như thể lực của tôi không đảm bảo để tiếp tục theo đoàn, nên tôi phải quay về. Bởi theo như lịch trình kiểm tra rừng khu vực bản Làng Sáng và giáp gianh với các bản của Trạm Tấu (Yên Bái) trong thời tiết này thì phải tuần nữa các anh mới có thể trở ra.

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới