XB: 25/04/2025 - 08:55

Dân tộc Mông có số dân lớn thứ 3 ở Sơn La, với gần 120.000 người, cư trú tại 599 bản thuộc 126 xã, trong đó có 10 xã là cộng đồng thuần dân tộc Mông. Bà con sống chủ yếu ở vùng cao các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã và Sốp Cộp. 

Đồng bào Mông có đời sống văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc, được bà con chú trọng gìn giữ, bảo tồn, nhất là trang phục truyền thống của dân tộc.

Những cô gái dân tộc Mông trong trang phục truyền thống

Cộng đồng người Mông ở Sơn La bao gồm ba nhóm chính: Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Trắng (Mông Đơ) và Mông Đen (Mông Đu). Mặc dù mỗi nhóm Mông có sự khác biệt trong cách may và sử dụng màu sắc chủ đạo, song nhìn chung, trang phục của phụ nữ Mông đều gây ấn tượng bởi sự đa dạng và tươi tắn của màu sắc.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông cầu kỳ hơn so với trang phục nam giới, gồm áo, váy, thắt lưng, xà cạp và mũ. Mỗi thành phần của bộ trang phục được thiết kế và trang trí tỉ mỉ, tạo nên một chỉnh thể thống nhất, ẩn chứa và phản ánh những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan thông qua màu sắc và họa tiết độc đáo. 

Sự phong phú trong kiểu dáng áo là một nét đặc trưng của trang phục truyền thống phụ nữ Mông Hoa, thay đổi theo từng vùng. Nếu như ở Bắc Yên, áo thường được thiết kế xẻ nách và cài cúc bên hông, thì tại các khu vực khác lại phổ biến kiểu áo xẻ ngực lệch trái, không cổ và được cố định bằng kim băng. Điểm chung của áo là phần thân ngắn, rộng rãi kết hợp với tay áo bó sát. Điểm thu hút đặc biệt trên áo phụ nữ Mông Hoa chính là những họa tiết trang trí tỉ mỉ trên khắp cánh tay, được tạo nên bởi kỹ thuật thêu tinh xảo và sự kết hợp hài hòa của các mảnh vải nhiều màu sắc.

Trang phục truyền thống phụ nữ Mông Hoa

Ở Mộc Châu ngày nay, áo Mông Hoa có xu hướng cách tân với kiểu chui đầu, các hoa văn tập trung viền quanh cổ áo, kéo dài xuống ngực và bao phủ toàn bộ tay áo bằng kỹ thuật thêu và chắp ghép vải theo một tông màu chủ đạo. Váy của phụ nữ Mông Hoa là loại váy xếp nếp rộng, nổi bật với ba dải băng ngang trang trí độc đáo, là sự kết hợp của kỹ thuật in sáp ong, nhuộm chàm, thêu chỉ màu và chắp ghép vải. Thắt lưng trước đây thường được thêu hoặc ghép vải, với phần trang trí được buộc ra phía sau lưng và có thêm tua vải lanh mềm mại.

Hiện nay, phụ nữ thường dùng các dải vải đa sắc nối với yếm váy, tạo nên vẻ tươi tắn, rực rỡ. Một nét độc đáo khác trong trang phục phụ nữ Mông Hoa là việc không đội khăn mà búi tóc thành vành lớn quanh đầu. Tóc được giữ gìn cẩn thận từ nhỏ đến khi trưởng thành, sau đó được tết và quấn lại một cách công phu, với quan niệm mái tóc búi càng to càng đẹp.

Trang phục phụ nữ Mông Đen ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Trang phục truyền thống của phụ nữ nhóm Mông Đen có áo xẻ nách, không dùng cúc mà cài kim băng, nẹp áo rộng và được trang trí hoa văn. Điểm đặc biệt là cổ áo phía sau gáy cũng được thêu hoa văn, thân trước áo dài ngang thắt lưng còn thân sau dài bằng váy, ống tay rộng với hoa văn trang trí khắp ống.

Nếu như trang phục Mông Hoa ưa chuộng nền đỏ, thì trang phục của phụ nữ Mông Đen chủ yếu có nền đen với hoa văn in sáp ong, hiện nay thường được thêu bằng chỉ màu xanh. Thay vì thắt lưng, phụ nữ Mông Đen dùng dây của tạp dề để cố định trang phục. Khăn đội đầu của họ là khăn vải lanh màu chàm đen, dài khoảng 2 mét và rộng 30 cm, quấn quanh đầu. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người không còn sử dụng khăn nữa.

Trang phục người Mông Trắng ở huyện Thuận Châu.

Phụ nữ Mông Trắng mặc áo may theo lối xẻ ngực, cổ áo là một miếng vải hình chữ nhật được trang trí hoa văn tinh xảo, bẻ ra sau gáy tựa như cổ áo hải quân. Áo không có cúc và thường mặc thêm một lớp áo lót kiểu chui đầu, cổ vuông bên trong. Khi mặc, vạt áo được cài chéo kín đáo và dùng thắt lưng vừa để làm đẹp vừa để giữ áo. Điểm nhấn trên áo Mông Trắng là các họa tiết trang trí trên toàn bộ cánh tay, được tạo nên bằng kỹ thuật ghép các mảnh vải màu thành những đường kẻ lớn.

Phụ nữ Mông Trắng ở Sơn La không mặc váy mà chủ yếu mặc quần vải phin hoặc lụa.

Khác với Mông Hoa và Mông Đen, phụ nữ Mông Trắng ở Sơn La không mặc váy mà chủ yếu mặc quần vải phin hoặc lụa, ống rộng và đáy thụng. Thắt lưng của họ là một dải vải dài khoảng 2 mét, rộng 10 cm, được trang trí hoa văn thành từng đoạn khoảng 15 cm xen kẽ với đoạn vải màu dài khoảng 20 cm, họa tiết này lặp lại trên toàn bộ thắt lưng. Về khăn đội đầu, phụ nữ Mông Trắng ở vùng Thuận Châu thường dùng khăn piêu của người Thái, đính thêm quả bông sặc sỡ và quấn quanh đầu thành hình chóp nhọn. Trong khi đó, ở vùng Bắc Yên và Mai Sơn,  lại đội mũ vải hình chóp nhọn đặc trưng.

Trình diễn trang phục dân tộc Mông truyền thống.

Trang phục của người Mông, dù là nam hay nữ, thường không có sự khác biệt lớn giữa ngày thường và các dịp lễ hội; thay vào đó, vào những dịp đặc biệt, họ ưu tiên những bộ trang phục mới và được trang trí thêu thùa công phu hơn. Điểm đáng chú ý là người Mông không sử dụng khung dệt để tạo hoa văn mà thực hiện trực tiếp trên vải đã dệt. Kỹ thuật tạo hoa văn truyền thống của họ rất phong phú, bao gồm thêu, cắt ghép vải, in sáp ong, đính hạt cườm và bạc. Trong đó, kỹ thuật in sáp ong trên vải là phổ biến ở cả người Mông Hoa và Mông Đen.

Các họa tiết trang trí không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh mà còn phản ánh chân thực cuộc sống và thiên nhiên xung quanh, thể hiện sự gắn bó hài hòa giữa con người và môi trường. Mặc dù tuân theo những quy tắc nhất định, hoa văn trên trang phục Mông vẫn thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người phụ nữ. Chúng còn là phương tiện biểu đạt tình cảm, tâm tư và sự tương đồng trong hoa văn có thể cho thấy mối quan hệ gia tộc.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống, luôn được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm; chú trọng tuyên truyền đồng bào Mông tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình; tổ chức truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa dân tộc.

Truyền dạy nghề thêu của đồng bào dân tộc Mông cho giới trẻ. 

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông ở Sơn La không chỉ rực rỡ, độc đáo, mang đậm nét riêng biệt mà còn là hiện thân của những giá trị văn hóa sâu sắc, phản ánh quan niệm thẩm mỹ độc đáo và đôi bàn tay tài hoa của bao thế hệ phụ nữ Mông. Sự phong phú trong trang phục giữa các nhóm Mông Hoa, Mông Đen và Mông Trắng đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa đa dạng của vùng đất Sơn La; những giá trị đó cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Các chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc Mông.

Bài, ảnh: Minh Thu - Phan Trang

Thiết kế: Bảo Khánh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm